Trưởng thành là nhận biết những gì không thể

#articles #Đức-Nhân #life #choice #mature

Đa số chúng ta khi ở tuổi 20 luôn cho rằng mình có thể làm được mọi thứ bản thân muốn. Trên lý thuyết đúng là như vậy, nhưng những cái có thể đó luôn bị giới hạn trong chiếc vòng kim cô của thời gian.

Khi thời gian bị giới hạn mà vẫn muốn đạt được tất cả thì hệ số cũng sẽ chia đều đúng theo số việc bạn làm. Ví dụ, bạn sẽ đạt được giá trị 10 khi chỉ tập trung làm một việc. Nhưng sẽ chỉ là 2 khi bạn làm 5 việc cùng một lúc.

Dù có lạc quan và tự tin đến thế nào, thì thực tế khi bạn học thì bạn sẽ không chơi vui được, còn khi bạn chơi thì sẽ chẳng học tốt được.

Bạn có thể theo đuổi cả hai, nhiều người chúng ta đã làm thế, và kết quả phần lớn sẽ là 5-5 cho cả ăn và chơi. Một hệ số trung bình và cũng là mẫu số phản ảnh giá trị của đại đa số chúng ta.

Lý do nằm ở các nguồn lực đều có hạn. Từ thời gian cho tới sự tập trung đều sẽ nhanh chóng tiêu hao khi chúng ta theo đuổi cùng lúc nhiều mục tiêu. Chúng ta đều biết để tập trung hiệu quả tiêu tốn rất nhiều thời gian. Thời gian cũng là chỉ số đo lường hiệu quả để nhận biết ai là kẻ xuất chúng trong đám đông.

Một nghiên cứu tận bên Đức cho biết sự khác biệt giữa một nhạc công tài năng và một nhạc công tầm thường nằm ở việc 1 nhạc công tài năng đã dành ra gấp 2 tới 3 lần số giờ tập luyện so với 99 nhạc công khác.

Có những thứ càng nhiều càng tốt. Nhưng đôi khi ít hơn lại là nhiều hơn.

Thứ nhiều hơn là bạn cần tập trung hơn.

Thứ ít hơn là bỏ qua một số việc bạn có thể làm.

Nhưng bản chất tự nhiên của con người là luôn muốn được nhiều hơn. Điều này không sai. Nhưng qua thời gian, tuỳ vào cơ duyên và tu tập, bản thân mỗi người trong các bạn sẽ biết cách điều chỉnh những ham muốn tự nhiên của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh để nhận ra một số ít thứ có giá trị nhất.

Chúng ta không chỉ biết những gì có thể làm, mà còn phải biết cả những gì không thể làm.

Để nhận ra được những gì không thể thì cần phải hạ thấp cái tôi. Nhưng chế ngự bản ngã cần có một trưởng thành trong nhận thức. Và sự trưởng thành cũng tiêu tốn không ít thời gian của bạn đâu.

Bởi vậy tôi mới đặt hai chữ “Trưởng thành” làm tiêu đề bài viết. Khi ta trẻ ta được quyền nói CÓ với tất cả. Nhưng dấu hiệu nhận biết ta trưởng thành hơn lại nằm ở việc liệu ta có dám nói KHÔNG với hầu hết mọi thứ được chăng.

Trưởng thành là nhận ra những giới hạn của bản thân. Nhưng vì biết được giới hạn đó là gì thì bạn càng tận dụng những khả năng có thể của mình để mở rộng giới hạn đó ra.

Bạn là một cầu thủ, hãy là một cầu thủ nhận bóng, cứ dẫn bóng và cứ sút là ghi bàn.

Tương tự thế nếu bạn là một nhà văn, hãy là một nhà văn viết ra những cuốn tiểu thuyết chất lượng tốt.

Đừng là nhà văn nửa vời hay cầu thủ partime. Cái bạn nhận được không phải là bàn thắng hay tác phẩm đâu.

Thực tế là những người xuất sắc nhất trong mọi lĩnh vực thường biết nhiều hơn và thấy ít hơn. Biết nhiều hơn là hiểu về lĩnh vực mình chọn. Thấy ít hơn là khôn ngoan khi không theo đuổi nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Hành trình trưởng thành đích thực không phải là tìm ra thấy nhiều thứ thú vị hơn mà nằm ở việc bạn sẽ có một nhãn quan mới. Với nhãn quan này bạn nhìn thấu và phân biết cái có thể và không thể.

Và xin nhớ cho, những gì bạn không làm cũng sẽ đem lại lợi ích cho bạn nhiều hơn bạn có thể tưởng tượng.